HƯỚNG DẪN SOẠN THẢO ĐƠN TỐ GIÁC TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN TỐ GIÁC
I/ Soạn thảo đơn tố giác tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 BLHS hiện hành. Nội dung đơn tố giác bao gồm các phần sau:
a/Người tố giác: điền cụ thể các thông tin như:
- Họ tên;
- Ngày tháng năm sinh;
- Căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp (đính kèm bản sao khi nộp hồ sơ);
- Địa chỉ hiện tại;
- Số điện thoại liên lạc.
b/Người bị tố giác: điền đầy đủ các thông tin sau (nếu có):
- Họ tên;
- Ngày tháng năm sinh;
- Căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp;
- Địa chỉ hiện tại;
- Số điện thoại liên lạc;
- Chức vụ, vị trí đang nắm giữ tại tổ chức, cơ quan,…
c/Nội dung tố giác
- Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Trình bày chi tiết quá trình từ khi bắt đầu đến khi xuất hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Thiệt hại: Ghi cụ thể tài sản bị lừa đảo chiếm đoạt (Lưu ý: Giá trị tài sản chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên theo quy định tại Điều 174 BLHS).
- Cấu thành tội phạm
- Về mặt khách quan: sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Về mặt chủ quan:
- Hành vi, thủ đoạn gian dối có trước khi tiến hành giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội.
- Người phạm tội nhận thức rõ hành vi mình thực hiện là gian dối và trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi gây ra là tài sản của người khác bị chiếm đoạt và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
- Có ý thức chiếm đoạt tài sản của người bị hại.
- Khách thể của tội phạm: Là hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
- Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.
d/Yêu cầu
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, khởi tố, truy tố để đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 BLHS đối với người bị tố giác.
- Có thể yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn “Tạm hoãn xuất cảnh” đối với người bị tố giác theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 124 BLHS.
e/Cam đoan và tài liệu đính kèm
Lời cam đoan về toàn bộ nội dung đã trình bày là hoàn toàn đúng sự thật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều trình bày trên. Cuối cùng đính kèm toàn bộ các tài liệu để chứng minh việc tố giác.
II/ Quy trình tố giác tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
a/Xác định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết đơn tố giác
- Điều 145 Bộ luật TTHS quy định các cơ quan tiếp nhận tố giác bao gồm: cơ quan điều tra, viện kiểm sát; cơ quan, tổ chức khác.
- Thẩm quyền giải quyết tố giác của cơ quan công an sẽ tương ứng với thẩm quyền xét xử của tòa án được quy định tại Điều 268 Bộ luật TTHS, theo đó:
- Cơ quan công an cấp quận/huyện giải quyết vụ việc có giá trị tài sản bị lừa đảo chiếm đoạt từ 2 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
- Cơ quan công an cấp tỉnh/thành phố giải quyết vụ việc có giá trị tài sản bị lừa đảo chiếm đoạt trên 500 triệu đồng.
- Trong trường hợp không đúng thẩm quyền giải quyết thì cơ quan tiếp nhận tố giác sẽ chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và đồng thời gửi thông báo cho người tố giác được biết bằng văn bản.
b/Hình thức tố giác: người dân có thể nộp đơn tố giác trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền như trình bày mục trên.
c/Trình tự giải quyết đơn tố giác
- Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nộp đơn tố giác, người tố giác sẽ nhận được thông báo về việc tiếp nhận đơn. Nếu chưa nhận được thông báo này, người dân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản.
- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra, xác minh và ra (i) quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc (ii) quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc (iii) quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác.
- Nếu sau thời hạn giải quyết, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác.
CÔNG TY LUẬT QUỐC TẾ NGUYỄN VÀ CỘNG SỰ
Email: Luatsu@nvcs.vn
Hotline: 0916.303.656
Liên hệ : Thạc sĩ – Luật sư – Trọng tài viên thương mại: NGUYỄN THÀNH TỰU tại đây.