- Một số vấn đề mà chủ đơn đăng ký nhãn hiệu thường hay gặp:
- Thường đặt những tên giống hoặc tương tự với sản phẩm, dịch vụ mình đưa ra thị trường. Ví dụ: “accounting system” cho “dịch vụ kế toán” hay “WOOD” cho ngành “sản xuất gỗ” ; “beauty” cho “dịch vụ spa” hay sử dụng những từ, cụm từ có ý nghĩa liên quan về cách phát âm, cấu trúc hoặc hình ảnh mô tả sản phẩm, dịch vụ,.. Tất cả yếu tố trên đều không có khả năng bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu (có thể tham khảo thêm tại Khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 và 2019)
- Thiết kế hoàn chỉnh logo xong mới tra cứu. Nhiều khi đơn vị thiết kế không nắm rõ được quy định liên quan đến điều kiện bảo hộ nhãn hiệu. Do đó, nhiều trường hợp, sau khi nhận được sự tư vấn từ đơn vị đại diện sở hữu công nghiệp, logo không có khả năng bảo hộ hoặc khả năng bảo hộ không cao. Lúc đó phải chỉnh sửa lại, rất mất thời gian, tiền bạc và công sức.
- Chưa có sự liên kết giữa: tên công ty, tên miền, nhãn hiệu công ty, nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ: Theo tác giả, để có thể phát triển tốt tài sản trí tuệ như nhãn hiệu, tên thương mại,… Chủ sở hữu nhãn hiệu nên sử dụng cùng hoặc tương tự nhau để các tài sản này “nâng đỡ” nhau, làm bộ nhận diện thương hiệu.
- Một số câu hỏi thắc mắc của chủ đơn đăng ký nhãn hiệu
- Tôi có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, tôi có quyền cấm người khác sử dụng nhãn hiệu này không?
Câu này thì vừa được, vừa không. Có 2 yếu tố cần xét đến là nhãn hiệu đó trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký và nhóm sản phẩm, dịch vụ trùng hoặc tương tự với nhóm sản phẩm, dịch vụ đã đăng ký. Ví dụ: nhãn hiệu ABC, đăng ký cho sản phẩm “dược phẩm” thì chủ sở hữu chỉ được cấm người khác sử dụng nhãn hiệu ABC cho “dược phẩm” và một số sản phẩm tương tự với dược phẩm như “thực phẩm chức năng”. Chủ sở hữu không được quyền cấm trong nhóm sản phẩm, dịch vụ không hề liên quan đến nhóm mà mình bảo hộ, ví dụ nhóm về giày dép, quần áo trừ trương hợp nhãn hiệu đó là logo (tác phẩm mỹ thuật ứng dụng) thì được bảo hộ tự động nên có thể dùng quyền này để nghiêm cấm người khác sử dụng logo trùng với mình.
- Thời gian đăng ký bao lâu?
Thời gian khoảng từ 18 – 24 tháng. Tuy nhiên, ngày mà bạn được ưu tiên là ngày nộp đơn. Ví dụ, nhãn hiệu ABC của bạn nộp ngày 20/01/2020, một nhãn hiệu XYZ (trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu ABC của bạn) được đăng ký vào ngày 21/01/2020 cho cùng nhóm sản phẩm, dịch vụ thì nhãn hiệu mà bạn đăng ký trước sẽ được ưu tiên trước. Ở đây pháp luật Việt Nam đăng ký nhãn hiệu theo nguyên tắc “first to file”.
- Trong thời gian ĐĂNG KÝ bảo hộ, tôi có thể ngăn người khác không được sử dụng nhãn hiệu của mình không?
Không. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ phát sinh khi nhãn hiệu đó được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
- Vậy làm cách nào để có thể ngăn người khác không sử dụng nhãn hiệu trong quá trình mình đăng ký nhãn hiệu hoặc ngăn chặn người khác sử dụng cho nhóm sản phẩm, dịch vụ khác?
Đăng ký bản quyền tác giả cho nhãn hiệu đó dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ giúp bạn có thể ngăn chặn người khác sử dụng nhãn hiệu của mình. Tuy nhiên, để được đăng ký bản quyền, nhãn hiệu bạn cũng phải đáp ứng một số tiêu chí liên quan đến quyền tác giả. Thời gian đăng ký từ 30 -45 ngày (rất nhanh)
- Tôi đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài mà không đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam được không?
Được. Nguyên tắc bảo hộ nhãn hiệu là theo nguyên tắc lãnh thổ. Nghĩa là đăng ký ở nước nào sẽ được bảo hộ ở nước đó. Tuy nhiên, cần xét đến yếu tố hoạt động kinh doanh liên quan đến nhãn hiệu đó được thực hiện ở đâu, thị trường tiêu thụ như thế nào. Tránh trường hợp, đăng ký ở nước ngoài mà thực hiện kinh doanh ở Việt Nam – > tốn công vô ích + Đối thủ cạnh tranh đăng ký nhãn hiệu đó tại Việt Nam thì coi như mất quyền. Ngoài ra, có một vài quy định mà người đăng ký cần nắm rõ, đó là việc sử dụng. Ví dụ, như Đài Loan, không sử dụng liên tục 3 năm có thể bị hủy bỏ hiệu lực văn bằng, ở Việt Nam thì 5 năm.
- Thời gian bảo hộ nhãn hiệu.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có giá trị 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm.