Mục Lục
-
Di sản thừa kế là gì?
– Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại, bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác, bao gồm cả phần tài sản chung của vợ chồng và tài sản chung với người khác.
– Tài sản là di sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản do người chết để lại như: quyền dân sự của cá nhân được phát sinh từ các quan hệ hợp đồng mà trước khi chết họ có tham gia vào, hoặc là những quyền tài sản liên quan đến sở hữu trí tuệ như quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp.
Lưu ý: Các quyền gắn liền với nhân thân của người chết về tài sản như quyền hưởng trợ cấp, tiền lương hưu thì không là di sản thừa kế.
Người để lại di sản có quyền lập di chúc để chỉ định người thừa kế, phân định tài sản của mình cho người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
Trường hợp người để lại di sản không để lại di chúc thì di sản được chia theo quy định của pháp luật.
-
Hình thức phân chia di sản

nguồn: internet
-
Thừa kế theo di chúc
Về nguyên tắc, người lập di chúc có quyền để lại di sản cho bất kỳ ai mà họ muốn. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu sau đây để di chúc trở nên hợp pháp:
+ Người lập di chúc là người đã thành niên, trường hợp người lập di chúc từ đủ 15 (mười lăm) tuổi đến dưới 18 (mười tám) tuổi phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ ( theo quy định tại Điều 625 Bộ luật dân sự 2015).
+ Nội dung của di chúc phải không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức, xã hội. Di chúc phải được lập theo ý chí của người có tài sản, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép (theo quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015);
+ Hình thức của di chúc phải tuân theo quy định của pháp luật (theo quy định tại Điều 627 Bộ luật dân sự 2015)
- Hình thức của di chúc
Di chúc có thể được lập bằng:
+ Văn bản:
+ Bằng miệng.
Lưu ý:
+ Trường hợp người bị hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ thì có thể nhờ người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực theo khoản 3 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015.
+ Chỉ được lập di chúc bằng miệng trong trường hợp người lập di chúc không thể lập di chúc được bằng văn bản do tính mạng đang bị đe dọa theo khoản 1 Điều 629 Bộ luật dân sự 2015. Trong trường hợp này cần phải có ít nhất 02 người làm chứng, ghi lại nội dung lời nói của người để lại di chúc và cùng ký tên hoặc điểm chỉ; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người để lại di sản thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng theo khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015. Nếu sau 03 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn và sáng suốt thì di chúc bằng miệng bị hủy bỏ theo khoản 2 Điều 629 Bộ luật dân sự 2015.
- Nội dung của di chúc:
Theo quy định tại Điều 631 Bộ luật dân sự 2015, di chúc tối thiểu phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
+ Ngày, tháng, năm lập di chúc: Đây là nội dung quan trọng, vì nó sẽ là cơ sở để xác định giá trị pháp lý của di chúc khi có những di chúc sau này, sửa đổi và bổ sung sẽ làm mất hiệu lực của di chúc trước đó.
+ Nơi cư trú cùng họ và tên của người lập di chúc
+ Họ tên của tổ chức, cá nhân, cơ quan hưởng di sản
+ Di sản để lại và nơi có di sản đó
Lưu ý: Di chúc không được viết tắt hoặc bằng kí hiệu, điều này làm cho việc xác nhận ý chí của người để lại di chúc trở nên khó khăn, không rõ ràng.
Trong trường hợp có sửa chữa, tẩy xóa, thì phải có chữ ký bên cạnh của người lập di chúc hoặc người làm chứng.
3.3 Quyền thừa kế đương nhiên không phụ thuộc vào nội dung di chúc:
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những chủ thể là người thân thích của người để lại di sản như: con dưới 18 tuổi, con từ đủ 18 tuổi nhưng không có khả năng lao động và bố, mẹ, vợ hoặc chồng. Trường hợp người chết để lại di chúc nhưng những thành phần nêu trên không được hưởng thừa kế, hoặc ít hơn 2/3 của một suất thừa kế nếu chia di sản theo pháp luật thì họ đương nhiên được hưởng 1 phần bằng 2/3 suất thừa kế tính trên cơ sở di sản chia theo pháp luật.
-
Thừa kế theo pháp luật
– Trường hợp không có di chúc thì di sản được chia theo pháp luật.

nguồn: internet
– Về nguyên tắc, chia thừa kế theo pháp luật thì cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế khi không còn ai ở hàng thừa kế trước. (Do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản).
– Thừa kế thế vị là trường hợp người được hưởng di chúc chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di chúc, thì phần tài sản đó sẽ thuộc về con của người được hưởng di chúc.
– Các hàng thừa kế được mô tả chi tiết bằng hình ảnh sau:
-
Giấy tờ cần chuẩn bị khi phân chia tài sản
– Giấy tờ chứng tử của người để lại di sản
– CMND của người thừa kế.
– Sổ hộ khẩu.
– Giấy tờ chứng minh quan hệ (Giấy khai sinh hoặc giấy đăng ký kết hôn).
– Giấy tờ chứng minh tài sản (Sổ đỏ, sổ tiết kiệm, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận góp vốn, các giấy tờ chứng minh tài sản khác của người để lại di sản).
– Di chúc (trường hợp phân chia tài sản theo di chúc).
-
Thực hiện phân chia di sản
6.1. Tại Phòng/ Văn phòng công chứng

nguồn: internet
Nếu các đồng thừa kế và người có quyền và nghĩa vụ liên quan có thể tự thỏa thuận được việc chia thừa kế đối với khối tài sản mà người chết để lại thì các bên có thể yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2014.
Nếu chí có một người thừa kế di sản hoặc có nhiều thừa kế những tất cả đều thỏa thuận không phân chia di sản đó thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật công chứng.
6.2. Tại Tòa án
Trong trường hợp, nếu có tranh chấp về thừa kế như: xác định ai là người được hưởng thừa kế hoặc tranh chấp về tỉ lệ hưởng di sản,… có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết.
– Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản đối với tài sản là động sản là 10 (mười) năm, đối với tài sản là bất động sản là 30 (ba mươi) năm, hết thời hiệu khởi kiện thì Tòa sẽ không giải quyết nếu có đương sự yêu cầu xem xét đến thời hiệu khi giải quyết vụ việc.
Về án phí nếu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp:
Tại Điểm a, Khoản 7, Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án quy định về Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong một số loại việc cụ thể như sau:
“7. Đối với vụ án liên quan đến chia tài sản chung, di sản thừa kế thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:
Khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế. Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trường hợp Tòa án xác định tài sản chung, di sản thừa kế mà đương sự yêu cầu chia không phải là tài sản của họ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch…”
Theo quy định tại Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về Mức án phí dân sự như sau: