
Họ tên: NGUYỄN THÀNH TỰU
Chức danh: GIÁM ĐỐC – LUẬT SƯ - TRỌNG TÀI VIÊN THƯƠNG MẠI
Điện thoại: +84 09.19.19.59.39
Email: tuulawyer@nvcs.vn
Lĩnh vực tư vấn: Đầu Tư Nước ngoài- Sở hữu Trí tuệ -M&A- Tranh chấp tại tòa.
Ngôn ngữ: Tiếng Việt - tiếng Anh
I/Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo pháp luật Việt nam
- Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản được quy định tại Điều 420 Bộ luật dân sự. Khái niệm này xuất hiện lần đầu tiên trong Bộ luật dân sự 2015 để giải quyết cho các trường hợp phát sinh trong thực tiễn khi trong quá trình thực hiện Hợp đồng có những thay đổi về hoàn cảnh dẫn đến việc các bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng theo những điều khoản đã thoả thuận trước đó. Song, bên có khả năng bị thiệt hại do hoàn cảnh thay đổi vẫn muốn tiếp tục thực hiện Hợp đồng.
Điều kiện để áp dụng “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” bao gồm:
- Hoàn cảnh thay đổi cơ bản do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không lường trước được về hoàn cảnh thay đổi cơ bản
- Hoàn cảnh thay đổi cơ bản lớn đến mức nếu các bên biết trước thì sẽ không giao kết Hợp đồng hoặc giao kết với những nội dung khác.
- Nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên
- Bên có khả năng thiệt hại đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KHI HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN
- Phân biệt Sự kiện Bất khả kháng và Hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Để áp dụng điều khoản Hoàn cảnh thay đổi cơ bản cũng có những điều kiện tương tự như Sự kiện bất khả kháng, đều đến từ nguyên nhân khách quan mà các bên không thể lường trước được cũng không có cách ngăn chặn hay giảm thiểu tác động của sự việc. Song, việc áp dụng điều khoản về Hoàn cảnh thay đổi cơ bản còn yêu cầu nhiều điều kiện để áp dụng hơn Sự kiện bất khả kháng.
Việc khác nhau cơ bản giữa hai điều khoản Hoàn cảnh thay đổi cơ bản và Sự kiện bất khả kháng là mục đích của bên có khả năng bị thiệt hại lựa chọn áp dụng. Đối với Sự kiện bất khả kháng, mục đích áp dụng điều khoản để miễn các trách nhiệm, không phải chịu các chế tài do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Song, đối với Hoàn cảnh thay đổi cơ bản, mục đích áp dụng là vì bên bị vi phạm muốn tiếp tục thực hiện Hợp đồng và sửa đổi nội dung hợp đồng để phù hợp với hoàn cảnh thay đổi.
II/Các khó khăn trong áp dụng điều khoản “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”
- Điều kiện áp dụng điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản khó để thực hiện
Để áp dụng điều khoản về Hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên muốn áp dụng phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 420 Bộ luật dân sự 2015. Song, để đáp ứng hoặc chứng minh đủ các điều kiện theo quy định là một việc không dễ. Như một trong các điều kiện để áp dụng Hoàn cảnh thay đổi cơ bản là nếu tiếp tục hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Chưa tính đến việc một sự việc trong tương lai sẽ rất khó chứng minh hay ước tích được mức thiệt hại thực tế thì Pháp luật Việt Nam cũng không quy định như thế nào được xem là thiệt hại nghiêm trọng.
- Quyền yêu cầu bên còn lại đàm phán về Hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Khoản 2 Điều 420 quy định khi xảy ra sự việc, bên có lợi ích bị ảnh hưởng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời gian hợp lý. Song, điều khoản này không có tính cưỡng chế hay bắt buộc bên còn lại phải chấp nhận việc đàm phán lại hợp đồng.
- Điều khoản có thể thực hiện khi yêu cầu Trọng tài thương mại giải quyết hay không?
Trường hợp không thể thoả thuận được về việc sửa đổi hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản, theo Khoản 3 Điều 420, một trong các bên có quyền đưa sự việc đến cơ quan tài phán để giải quyết. Song, Khoản 3 điều này cũng xác định rõ cơ quan giải quyết là Toà án.
- Xác định mức thiệt hại khi lựa chọn sửa đổi Hợp đồng hay chấm dứt Hợp đồng khi có hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Pháp luật quy định khi đưa sự việc ra Toà án giải quyết, có thể yêu cầu chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi nội dung hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Song, Toà án chỉ được quyết định sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với chi phí để thực hiện Hợp đồng.
Đây là một việc rất khó để xác định xuất phát trước hết là từ vấn đề chuyên môn. Để xác định được vấn đề về kinh tế - tài chính cần có chuyên môn về khía cạnh này. Song, toà án là một cơ quan tài phán, đối với một số khía cạnh sâu sắc về kinh tế không thể nắm rõ được để xác định. Mặt khác, việc ước tính để so sánh các thiệt hại chưa phát sinh trên thực tế là một việc rất khó bởi không thể chắc chắn các sự việc thực tế hay các thiệt hại có thể phát sinh.
- Việc áp dụng hoàn cảnh thay đổi cơ bản không làm tạm ngưng nghĩa vụ của các bên trong Hợp đồng
Mục đích của một trong các bên khi lựa chọn áp dụng điều khoản về hoàn cảnh thay đổi cơ bản là để giảm thiểu, tránh các thiệt hại sẽ phát sinh. Song, Khoản 4 Điều 420 quy định trong quá trình các bên đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Toà án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng nếu không có thoả thuận khác. Theo đó, khi áp dụng hoàn cảnh thay đổi cơ bản sẽ không làm ngưng lại việc thực hiện nghĩa vụ thậm chí khi bên thực hiện nghĩa vụ có thiệt hại. Do đó, trong một số trường hợp khi nguy cơ về lợi ích bị xâm phạm trong khoảng thời gian ngắn việc áp dụng điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản sẽ không mang lại lợi ích cho bên bị thiệt hại. Trường hợp trước đó các bên đã thoả thuận trong hợp đồng về việc sẽ tạm ngưng hợp đồng đến sau khi giải quyết thì có thể tạm ngưng thực hiện nghĩa vụ.
THAM KHẢO: Mẫu hợp đồng