Họ tên: NGUYỄN THÀNH TỰU
Chức danh: Thạc sĩ - Luật sư - Trọng Tài Thương Mại - CEO
Điện thoại: +84 09.19.19.59.39
Email: tuulawyer@nvcs.vn
Lĩnh vực tư vấn: Đầu Tư Nước ngoài- Sở hữu Trí tuệ -M&A- Tranh chấp tại tòa.
Ngôn ngữ: Tiếng Việt - tiếng Anh
- 1.
- 1.1. Thế nào là quyền sở hữu trí tuệ? Cách thức để xác lập quyền sở hữu trí tuệ?
- 1.2. Thế nào là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?
- 1.3. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
- 1.4. Hành vi xâm phạm quyền liên quan
- 1.5. Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí
- 1.6. Hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh
- 1.7. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý
- 1.8. Hành vi xâm phạm quyền giống cây trồng
- 1.9. Dịch vụ Luật sư tư vấn các vấn đề pháp lý về sở hữu trí tuệ tại Công ty Luật TNHH Nguyễn và Cộng sự
Trên thực tế, tồn tại rất nhiều hành vi xâm phạm đến quyền tác giả, quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay quyền đối với cây trồng,... Các chủ sở hữu của tác phẩm, nhãn hiệu hay sáng chế mặc dù đã thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ đối với tài sản trí tuệ của mình nhưng cũng không thể nhận diện đâu là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình và liệu mình cần phải làm những gì để ngăn chặn những hành vi này không. Bài viết sau đây giúp cho bạn đọc có thể nhận diện đâu là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Viết tắt: Luật SHTT 2005 (sửa đổi bổ sung 2022) là Luật SHTT
Thế nào là quyền sở hữu trí tuệ? Cách thức để xác lập quyền sở hữu trí tuệ?
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của các cá nhân tổ chức đối với tài sản trí tuệ như tác phẩm văn học, nghệ thuật, các cuộc biểu diễn, ghi âm , ghi hình, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh,...
quyen-so-huu-tri-tue
Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Theo đó, quyền tác giả được bảo hộ về hình thức sáng tạo chứ không bảo hộ ý tưởng hay nội dung sáng tạo cho nên cơ sở để xác lập quyền tác giả là phải được thể hiện dưới dạng tác phẩm. Tác phẩm phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không được sao chép từ tác phẩm của người khác và nội dung của tác phẩm phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội và không trái với quy định của pháp luật. Tác phẩm được bảo hộ một cách tự động từ khi tác phẩm được sáng tạo mà không cần phải đăng ký bảo hộ. Ngoài ra, căn cứ Điều 23 Luật SHTT thì có các đối tượng vẫn được bảo hộ quyền tác giả nhưng không phụ thuộc vào việc định hình, tức là không được thể hiện dưới dạng tác phẩm như thơ, truyện, điệu nhạc, làn múa,... thuộc tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian.
Quyền liên quan được hình thành dựa trên cơ sở sử dụng một tác phẩm gốc do đó chủ thể của quyền này có thể là người biểu diễn (ca sĩ, nhạc sĩ, vũ công), nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng hay tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu của quyền liên quan. Quyền liên quan được xác lập từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng,… được thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu; đối với tên thương mại thì quyền được xác lập khi sử dụng hợp pháp tên thương mại đó; đối với bí mật kinh doanh thì phải có được một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Quyền sở hữu đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng.
Cơ sở pháp lý: Điều 6, 8 14, 23 Luật SHTT.
Thế nào là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?
Một hành vi được coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải có đủ 4 yếu tố, bao gồm:
Thứ nhất, đối tượng bị xem xét liệu có đang bị xâm phạm có thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không. Như đã đề cập, các đối tượng này có thể là tác phẩm, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu,... Một hành vi được xem là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu các đối tượng kể trên đang được bảo hộ. Tức là, chủ sở hữu đã đăng ký bảo hộ đối với tác phẩm, có Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng bảo hộ giống cây trồng,...
Thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét. Các yếu tố xâm phạm được quy định từ Điều 7 tới Điều 13 Nghị định 105/2006/NĐ-CP đối với từng đối tượng.
Thứ ba, người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Thứ tư, hành vi bị xem xét liệu có đang xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác xảy ra tại Việt Nam. Kể cả là hành vi xảy ra trên internet hay mạng xã hội.
xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue
Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm: Hành vi xâm phạm quyền tác giả; Hành vi xâm phạm quyền liên quan; Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí; Hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh; Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý; Hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng.
Cơ sở pháp lý: Điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP.
Tham khảo bài viết: Thủ tục tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ
Hành vi xâm phạm quyền tác giả
Điều 28 Luật SHTT quy định về các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bao gồm cùng lúc nhiều hành vi vi phạm tại Điều 28 Luật này. Một số hành vi được coi là xâm phạm quyền tác giả có thể kể đến như là cố ý sửa đổi, cắt xén tác phẩm, sao chép toàn bộ tác phẩm, phát sóng tác phẩm bằng mạng thông tin điện tử mà không được sự đồng ý của tác giả,...
Ví dụ: Tháng 12/2005, ông Hồ Thanh B và Ông Phạm Văn X mong muốn mang tác phẩm “Việt Nam thi sử hùng ca” xuất bản tại NXB Văn nghệ TP.HCM nhưng phải xin phép tại NXB Tổng hợp TP,HCM. Do đó, Ông B nhờ ông Trần Trí T mang bản thảo tập thơ “Việt Nam thi sử hùng ca (VNTSHC)” đến xin giấy phép tại Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM. Tuy nhiên, ông B phát hiện tác phẩm được xuất bản và phát hành với tên tác giả là Trần Trí T chứ không phải tên mình nên đã khiếu nại đến NXB Tổng hợp TP.HCM và chứng minh các câu thơ từ trang số 9 đến trang 30 là của mình. Ngoài ra 900 câu thơ mở đầu của ông B đã bị ông T hoán chuyển, đảo vị trí. Hành vi của ông T là hành vi xâm phạm quyền tác giả, theo đó hành vi của ông T thuộc khoản 1 Điều 28, đã vi phạm khoản 2 và khoản 4 Điều 19 Luật SHTT. Ông T đã tự ý đứng tên tác phẩm VNTSHC và tự ý sửa đổi, chuyển hóa tác phẩm.
Hành vi xâm phạm quyền liên quan
Các hành vi xâm phạm quyền liên quan được Luật SHTT quy định tại Điều 35. Một số hành vi xâm phạm quyền liên quan có thể kể đến như sản xuất bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn mà không có sự đồng ý của người biểu diễn, phân phối chương trình của tổ chức phát sóng mà không có sự đồng ý của tổ chức phát sóng,...
Ví dụ: Tháng 5/2018 Nguyễn Văn A đã có hành vi sao chép toàn bộ chương trình “Gặp nhau cuối tuần” VTV sau đó sản xuất và cho phân phối hơn 10.000 đĩa CD chứa nội dung của chương trình “Gặp nhau cuối tuần” để bán. Hành vi của A thuộc khoản 3 Điều 35 Luật SHTT, A đã vi phạm điểm b, d khoản 1 Điều 31 Luật SHTT.
Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí
Điều 126 Luật SHTT quy định các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí. Một số hành vi như sau sử dụng sáng chế được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không có sự cho phép của chủ sở hữu, sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời,...
Tham khảo bài viết: Thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế
Ví dụ: M Corp. US là chủ sở hữu đối với Bằng độc quyền sáng chế mang tên: Hợp chất Beta-Mino Tetrahydro (1,2-A) Pyrazin và Tetrahydrotriazolo (4,3-A Pyrazin để sử dụng làm chất ức chế Dipeptidiy Peptidaza dược phẩm chứa chúng và ứng dụng của chúng. M Corp. US cũng là chủ sở hữu đối với Bằng độc quyền sáng chế mang tên: Muối Axit Photsphoric của chất ức chế Dipeptidiyl Peptidaza-IV quy trình điều chế dược phẩm chứa chúng và ứng dụng của chúng. Cả hai Bằng độc quyền sáng chế này đều đang có hiệu lực bảo hộ. Công ty H1 đã nhập khẩu, lưu trữ và phân phối thuốc “GETSITALIP 100mg” và “GETSITALIP 50mg” có chứa thành phần hoạt chất Sitagliptin phosphat monohydrat và có chung mục đích sử dụng các sáng chế của M Corp. US. Được biết, công ty H1 được cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm thuốc nêu trên. Tuy nhiên việc được đăng ký lưu hành sản phẩm thuốc nêu trên không có nghĩa là không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hành vi của công ty H1 đã vi phạm khoản 1 Điều 126 Luật SHTT.
Trích: Bản án về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ số 41/2020/DS-PT (thuvienphapluat.vn)
Hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh
Điều 127 Luật SHTT quy định các hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh như bộc lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không có sự cho phép của chủ sở hữu, lừa gạt, dụ dỗ người có nghĩa vụ bảo mật bí mật kinh doanh nhằm tiếp cận bí mật kinh doanh đó,...
Ví dụ: Công ty A sở hữu công nghệ gia truyền trong việc sản xuất bún nưa. Năm 2000, Công ty thuê chị K làm quản lý xưởng sản xuất. Qua thời gian làm việc, chị K đã cố tìm hiểu và thu thập được thông tin về công nghệ trên. Năm 2005, chị K xin nghỉ việc và được nhận vào làm việc tại Công ty B. Chị K đã cung cấp thông tin về công nghệ trên cho Công ty B và Công ty B đã áp dụng để sản xuất bún nưa cạnh tranh với sản phẩm của Công ty A. Hành vi của chị K đã vi phạm điểm a khoản 1 Điều 127 Luật SHTT.
Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý
Điều 129 Luật SHTT quy định các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý như sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hành hóa thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý,...
Ví dụ: Adidas và Adidus, Ajinomoto và Aginomoto,...
xam-pham-quyen-doi-voi-nhan-hieu
Hành vi xâm phạm quyền giống cây trồng
Điều 188 Luật SHTT quy định về các hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng, trong đó có khai thác quyền của chủ bằng bảo hộ mà không được sự cho phép, sử dụng tên giống cây trồng trùng với tên giống cây trồng đã được bảo hộ cho giống cây trồng cùng loài,...
Ví dụ: Công ty A sở hữu Văn bằng bảo hộ đối với giống lúa mang tên Xuân Phong, được trồng với quy trình đặc biệt, có hương thơm khác với các loại lúa khác, hạt to, nấu lên mềm, dẻo, thơm. Công ty B cũng khai thác 1 giống lúa tương tự với công ty A, khi nấu cũng thơm, mềm và dẻo và giống lúa này cũng được đặt Suân Phong. Sau này công ty A phát hiện công ty A sử dụng tên giống lúa tương tự với tên giống lúa của mình đã được bảo hộ cho giống lúa cùng loài nên đã khởi kiện lên Tòa án. Như vậy, hành vi của công ty B đã vi phạm khoản 2 Điều 188 Luật SHTT.
Dịch vụ Luật sư tư vấn các vấn đề pháp lý về sở hữu trí tuệ tại Công ty Luật TNHH Nguyễn và Cộng sự
Kinh nghiệm của Công ty Luật TNHH Nguyễn và cộng sự về lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được tích lũy hơn 10 năm. Chúng tôi đặc biệt nhận diện những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết những tranh chấp, kiện tụng vì các hành vi xâm phạm đó nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu. Khách hàng đến với chúng tôi sẽ được tư vấn miễn phí về các vấn đề mà quý khách hàng đang gặp phải, đồng thời, chúng tôi sẽ cung cấp những vấn đề pháp lý liên quan như:
- Thế nào là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?
- Cách bảo hộ quyền tác giả
- Cách bảo hộ quyền đối với sáng chế
- Thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
- Cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
giai-quyet-tranh-chap-quyen-tac-gia-va-quyen-so-huu-tri-tue
Luật sư: NGUYỄN THÀNH TỰU
Điện thoại: 09.19.19.59.39
Email: tuulawyer@nvcs.vn