Vừa qua, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua 10 Luật mới, trong đó có Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực thì hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Bộ luật mới này quy định nhiều điểm nổi bật được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ trong giai đoạn gia nhập thị trường, mà còn trong suốt quá trình đầu tư, kinh doanh.
Là doanh nghiệp đang kinh doanh hoạt động hoặc những tổ chức, cá nhân đang có dự định thành lập mới một doanh nghiệp cho riêng mình thì chắc chắn phải biết những điểm mới nổi bật của Luật doanh nghiệp 2020 để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ kinh doanh.
Biết được lo lắng của Quý khách hàng, Công ty Luật Nguyễn và Cộng sự đã cập nhật, nghiên cứu, tiếp nhận những ý kiến từ chuyên gia và đưa ra những tư vấn đúng, chính xác cho Quý khách hàng về những quy định được thay đổi trong Luật doanh nghiệp mới nhất theo liệt kê chi tiết dưới đây.
- Thứ nhất: Siết chặt việc quản lý bằng việc bổ sung thêm những đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp:
+ So với Luật doanh nghiệp 2014 thì Luật doanh nghiệp 2020 đã liệt kê bổ sung những đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp gồm:
- Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);
- Người khó khăn trong việc nhận thức, làm chủ hành vi;
- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
+ Theo đó, quy định về những cá nhân, tổ chức không được phép thành lập doanh nghiệp được liệt kê dưới đây:
(1) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
(2) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
(3) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
(4) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định(trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác);
(5) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bị mất năng lực hành vi dân sự; người khó khăn trong việc nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
(6) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng;
(Người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu).
(7) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
- Thứ hai: Cho phép doanh nghiệp toàn quyền quản lý, sử dụng con dấu mà không cần phải thực hiện thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh:
+ Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể chủ động liên hệ với cơ quan đăng ký khắc con dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của giao dịch điện tử.
+ Cũng như quy định trong Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp có quyền quyết định hình thức, số lượng, loại con dấu (tròn, vuông,v,v tùy theo sở thích và nhu cầu của doanh nghiệp) được căn cứ thông tin trên giấy phép kinh doanh đã được cấp.
+ Việc sử dụng, quản lý, lưu giữ, thay đổi hay hủy bỏ được thực hiện theo Điều lệ của công ty hoặc những văn bản nội bộ khác có giá trị liên quan. Miễn sao doanh nghiệp đảm bảo việc sử dụng con dấu là thực hiện đúng trong những giao dịch của pháp luật.
+ Như vậy, có thể thấy, việc doanh nghiệp được toàn quyền quản lý con dấu đã giúp giảm bớt đi một thủ tục hành chính của Cơ quan đăng ký kinh doanh và nâng cao tinh thần tự giác trong việc quản lý, sử dụng tài sản cho doanh nghiệp.
- Thứ ba: Luật doanh nghiệp 2020 đề ra quy định mới đảm bảo quyền lợi của cổ đông trong Công ty cổ phần hơn Luật doanh nghiệp 2014:
+ Nếu như trong Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty được quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp.
+ Thì Luật doanh nghiệp 2020 đã giảm tỷ lệ trên xuống còn 5% tổng số cổ phần phổ thông và không yêu cầu thời hạn sở hữu liên tục được quyền yêu cầu triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trong những trường hợp cụ thể sau:
- Hội đồng quản trị đã vi phạm nghiêm trọng quyền của các cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao;
- Những trường hợp khác theo quy định của Điều lệ công ty.
- Ngoài ra, cổ đông và nhóm cổ đông nêu trên còn được thực hiện các quyền sau:
- Xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;
- Yêu cầu Ban kiểm soát, kiểm tra lại từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết.
- Các quyền khác theo quy định và Điều lệ công ty.
+ Có thể thấy đây là một quy định đem lại nhiều tin vui cho nhóm cổ đông phổ thông vì đảm bảo được quyền lợi quản lý của nhóm cổ đông này. Trước đây, họ đã bị giới hạn tỷ lệ và thời gian làm họ khó khăn trong việc tham gia vào việc quản lý và kiểm soát công ty để đảm bảo được lợi ích của họ tương ứng với số cổ phần mà họ đã góp vào công ty.
- Thứ tư: Rút ngắn thời gian thông báo tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh từ 2021:
+ Căn cứ theo Khoản 1 Điều 200 của Luật Doanh nghiệp 2014 thì Doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoạt động hoặc tiếp tục kinh doanh. Quy định này áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã đăng ký tạm ngừng.
+ Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh. Cụ thể:
“Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo tạm ngừng.”
Như vậy, thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh được rút ngắn từ chậm nhất từ 15 ngày xuống còn 03 ngày làm việc.
+ Bên cạnh đó, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh trong trường hợp sau đây:
- Tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
- Tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh một, một số ngành, nghề kinh doanh hoặc trong một số lĩnh vực theo quyết định của Tòa án.
Trong thời gian tạm ngừng , doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ hay hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Có lẽ, điều luật này được thông qua cũng bởi vì sự ảnh hưởng quá nặng nề của dịch Covid-19 trong thời gian đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng và phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Có thể nói, đây là một điều luật mang tính khuyến khích của Chính phủ để doanh nghiệp có thể sớm hoạt động kinh doanh trở lại trong năm 2021.
- Thứ năm: Thay đổi khái niệm Doanh nghiệp nhà nước và quy định thêm việc phải lập Ban kiểm soát nếu kinh doanh loại hình này.
+ Doanh nghiệp Nhà nước theo Luật doanh nghiệp 2014 là khi Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Còn theo khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật này.
Có thể thấy quy định về Doanh nghiệp nhà nước đã được nới lỏng hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho những cá nhân, tổ chức khác được quyền hợp tác kinh doanh.
+ Về quy định Thành lập Ban kiểm soát thì không bắt buộc nếu như đã bổ nhiệm 01 Kiểm soát viên cho doanh nghiệp. Nhưng đến Luật Doanh nghiệp 2020 (khoản 1 Điều 103) thì căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát.
Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.
- Thứ sáu: Luật Doanh nghiệp 2020 bãi bỏ quy định về việc phải “Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp"
Hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doarnh nghiệp phải báo cáo Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của những người sau đây:
- Thành viên của Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần;
- Thành viên của Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên của Doanh nghiệp;
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ quy định này. Như vậy, việc thay đổi thông tin sẽ được thực hiện nội bộ hoặc dựa vào hướng dẫn thêm của Nghị định hướng dẫn.
Như vậy, với những điểm mới nổi bật của Luật doanh nghiệp 2020 đã phần nào giảm bớt những thủ tục hành chính không cần thiết và góp phần tăng ý thức tự quản lý cho doanh nghiệp.
* Luật doanh nghiệp 2020 (tải xuống)
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Luat-Doanh-nghiep-so-59-2020-QH14-427301.aspx