Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động khi phát sinh những mâu thuẫn, những bất đồng liên quan đến quyền và lợi ích của mình. Tranh chấp lao động gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa một hoặc vài cá nhân người lao động với người sử dụng lao động (chủ doanh nghiệp) và tranh chấp lao động tập thể giữa những tập thể lao động với người sử dụng lao động.
Có rất nhiều cách thức để giải quyết tranh chấp lao động, cụ thể gồm các cách thức cơ bản sau:
- Thương lượng để giải quyết tranh chấp lao động;
- Hòa giải;
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Chủ thể cảm thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm pham trong quan hệ lao động, tự mình xem xét lựa chọn cách thức giải quyết nào cho phù hợp và đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho chính mình. Trường hợp không tự mình xác định được cách thức tốt nhất, có thể nhờ Luật sư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này để tư vấn và giải quyết.
- Luật sư Lao động tư vấn Thương lượng để giải quyết tranh chấp lao động
Bên cạnh cơ chế giải quyết truyền thống là khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền, thì pháp luật lao động cũng tạo ra những hành lang pháp cho NLĐ và NSDLĐ những con đường khác để giải quyết tranh chấp lao động. Khi một bên có tranh chấp với bên kia về bất kỳ điều khoản hay điều kiện việc làm, tiền lương, thời giờ làm việc hay bất kỳ quyền, lợi ích và nghĩa vụ nào phát sinh giữa các bên, các bên được tôn trọng và bảo đảm được thương lượng để giải quyết tranh chấp lao động ngoài Tòa án.
So với những mặt hạn chế nếu giải quyết tranh chấp bằng con đường Tòa án như thủ tục tố tụng tại Tòa án phức tạp, tốn kém thời gian, công sức, hay bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, bí mật đời tư hay lịch sử việc làm của NLD có thể bị tiết lộ do việc tố tụng công khai tại Tòa án, ... thì việc giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án như thương lượng thực sự đóng vai trò ngày một quan trọng và được các bên ưu tiên sử dụng ngay khi xảy ra tranh chấp lao động.
Phương thức giải quyết mâu thuẫn, xung đột cơ bản nhất là hai bên sẽ cùng nhau thương lượng, trao đổi qua lại để tìm kiếm một giải pháp xử lý được tranh chấp, xung đột giữa các bên. Một bên có thể tự mình hoặc thuê luật sư trực tiếp thương lượng với bên kia và việc thương lượng không cần tuân theo một trình tư thủ tục nào và thương lượng cũng giúp cho các bên tham gia và đưa ra quyết định trực tiếp ảnh hưởng đến chính các bên. Một cuộc thương lượng thành công là khi các nhu cầu của các bên đều được xem xét và thỏa thuận do các bên đạt được trong quá trình thương lượng và ràng buộc các bên phải thực thi. Ngoài ra, các bên có thể tham vấn ý kiến của luật sư trước khi hoàn tất một thỏa thuận giải quyết tranh chấp để đảm bảo được quyền lợi của mình và kết quả hoặc hậu quả phát sinh theo đó. Các bên có quyền yêu cầu và tiến hành thương lượng giải quyết tranh chấp tại bất kỳ giai đoạn nào khi tranh chấp xảy ra.
- Luật sư Lao động tư vấn Hòa giải để giải quyết tranh chấp lao động
Ngoài việc thương lượng để giải quyết tranh chấp các bên có thể yêu câu hòa giải viên lao động giải quyết cho mọi loại tranh chấp lao động, kể cả tranh chấp lao động cá nhân giữa NLD với NSDLD và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với NSDLĐ.
Hòa giải viên lao động là người được Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm theo nhiệm kỳ và được cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cử để hòa giải một vụ tranh chấp lao động cụ thể.
Tùy vào từng loại hình tranh chấp lao động khác nhau mà trình tự, thủ tục hòa giải, thời hiệu yêu cầu hòa giải cũng sẽ khác nhau, cụ thể:
- Hòa giải cho tranh chấp lao động cá nhân
Trong vòng 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của minh bị vi phạm, mỗi bên có quyền làm đơn yêu cầu hòa giải đến Phòng LĐTBXH để được hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải.
- Hòa giải cho tranh chấp lao động tập thể
Trong vòng 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm, mỗi bên có quyền làm đơn yêu cầu hòa giải đến Phòng LĐTBXH để được hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải. Nếu việc hòa giải vẫn không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành, thì mỗi bên đều có quyền đệ trình yêu cầu giải quyết tranh chấp lên:
- Chủ tịch UBND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nếu đó là tranh chấp lao động tập thể về quyền; hoặc
- Hội đồng trọng tài lao động nếu đó là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích để được tiếp tục giải quyết.
- Luật sư Lao động tư vấn khởi kiện tại Tòa án để giải quyết tranh chấp lao động
Nếu việc hòa giải vẫn không thành, các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động. Riêng các tranh chấp lao động cá nhân liên quan đến Kỉ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ, bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ; giữa người giúp việc gia đình với NSDLĐ, BHXH, BHYT hay bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì các bên có thể khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết tranh chấp ngay mà không phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động như nêu trên.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Việc giải quyết tranh chấp để dành được quyền và lợi ích tốt nhất cho mình đòi hỏi chủ thể tham gia phải có hiểu biết sâu về các quy định của pháp luật Lao động và các Quy định pháp luật liên quan khác. Cách tốt nhất là bạn đọc khi phát sinh tranh chấp nên nhờ Luật sư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này để tư vấn và giải quyết.