Gần đây, có nhiều tổ chức có câu hỏi rằng, trường hợp một doanh nghiệp khác gửi thông báo đề nghị gỡ bỏ nhãn hiệu có chứa thành phần vi phạm nhãn hiệu đối chứng có trước và yêu cầu thực hiện việc việc rút đơn đăng ký nhãn hiệu thì cần phải trả lời và xử lý như thế nào?
-
Cơ sở pháp lý cho việc yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm nhãn hiệu
Căn cứ theo điểm b Khoản 1 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (LSHTT), để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền “
yêu cầu tổ chức
, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại”.
Và tại Khoản 2 Điều 203 Luật SHTT, căn cứ chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu nhãn hiệu bao gồm văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.
Như vậy, quyền yêu cầu gỡ bỏ nhãn hiệu là quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chủ thể được chuyển quyền sử dụng, xuất phát từ “
quyền ngăn cấm người khác sử dụng và quyền được yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền độc quyền sử dụng đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ phải chấm dứt hành vi xâm phạm”. Theo đó, dù là công ty lớn hay nhỏ, là cá nhân hay tổ chức, chỉ cần là chủ sở hữu nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu thông qua hợp đồng sử dụng nhãn hiệu (li-xăng) khi phát hiện tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhãn hiệu của mình đều có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đó nhanh chóng gỡ bỏ dấu hiệu xâm phạm.
-
Khi nhận được thông báo yêu cầu gỡ bỏ nhãn hiệu, nên làm gì?
Khi nhận được thông báo yêu cầu gỡ bỏ nhãn hiệu, bạn cần yêu cầu trình ra bằng chứng có văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc hợp đồng sử dụng nhãn hiệu để chứng minh tư cách yêu cầu xử lý vi phạm. Điều này nhằm mục đích tránh lạm dụng quyền yêu cầu gỡ bỏ nhãn hiệu hoặc hiện trạng bị nhiều đối tượng xấu hù dọa. Như trong trường hợp Doanh nghiệp hoặc luật sư đại diện của doanh nghiệp đó không đưa ra được chứng cứ về văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc văn bản ủy quyền hợp lệ thì không được coi là có tư cách yêu cầu người khác gỡ bỏ biển hiệu vi phạm Nhãn hiệu.
Ngoài ra, cũng cần xem xét các điều kiện theo quy định pháp luật để được coi là có “yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu” hay không. Nếu có thì mức độ vi phạm đến đâu, có thể phải chịu những hậu quả pháp lý gì và cách giải quyết thỏa đáng là như thế nào. Có thể yêu cầu cung cấp Bản kết luận giám định Sở hữu công nghiệp do Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ Giám định.
Mặt khác, trong trường hợp xét thấy Doanh nghiệp yêu cầu chấm dứt có đầy đủ các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của họ là Hợp pháp thì chúng ta nên thỏa thuận, thương lượng và đưa ra những căn cứ cho rằng việc mình sử dụng nhãn hiệu sẽ không làm ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh của họ để có thể sử dụng tiếp.
Tóm lại, tình trạng bị yêu cầu xử lý vi phạm Nhãn hiệu là rất phổ biến dù là công ty lớn hay nhỏ, là cá nhân hay tổ chức, chỉ cần là chủ sở hữu nhãn hiệu được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu thông qua hợp đồng sử dụng nhãn hiệu khi phát hiện tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhãn hiệu của mình đều có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đó nhanh chóng gỡ bỏ dấu hiệu xâm phạm.
Khi có yêu cầu thì cơ quan chức năng sẽ thực thi và bảo vệ quyền cho người đó. Hậu quả người vi phạm phải gánh chịu khá nặng nề. Căn cứ theo Điều 11 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực sở hữu công nghiệp , các hình thức xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm bao gồm phạt cảnh cáo và phạt tiền. Tùy theo mức độ và hành vi xâm phạm mà mức tiền phạt có thể lên đến
250.000.000 đồng (mức phạt sẽ gấp hai lần đối với trường hợp tổ chức vi phạm) và có thể bị áp dụng với các hình thức phạt bổ sung như
đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ từ
01 đến 03 tháng. Ngoài ra, các biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng bao gồm: buộc loại bỏ yếu tố vi phạm, buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hàng hóa xâm phạm, buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, còn có thể bị khởi kiện ra Tòa án hoặc trọng tài bằng một vụ án dân sự hoặc thậm chí theo Bộ luật hình sự năm 2015 (chưa có hiệu lực) thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc xử lý đối với tình huống nhận được thông báo yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm như thế nào để tránh gây ra những hậu quả xấu mà vẫn đảm bảo tốt quyền và lời ích hợp pháp của mình là rất quan trọng. Trường hợp bạn đọc gặp vấn đề nên liên hệ một luật sư chuyên về Sở hữu trí tuệ tư vấn.