Họ tên: NGUYỄN THÀNH TỰU
Chức danh: Thạc sĩ - Luật sư - Trọng Tài Thương Mại - CEO
Điện thoại: +84 09.19.19.59.39
Email: tuulawyer@nvcs.vn
Lĩnh vực tư vấn: Đầu Tư Nước ngoài- Sở hữu Trí tuệ -M&A- Tranh chấp tại tòa.
Ngôn ngữ: Tiếng Việt - tiếng Anh
- 1. Cung ứng dịch vụ Logistics là gì?
- 2. Đặc điểm của hoạt động cung ứng dịch vụ Logistics
- 3. Hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics
- 4. Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ Logistics và khách hàng
- 5. Giới hạn trách nhiệm đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics
- 6. Miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics
- 7. Dịch vụ tư vấn những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ Logistics của Nguyễn và Cộng sự
Cung ứng dịch vụ Logistics là gì?
Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, bên cung ứng dịch vụ phải cung ứng dịch vụ cho khách hàng và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (khách hàng) phải thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ như đã thỏa thuận.
Dịch vụ Logistics là việc thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc liên quan đến lưu trữ, vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ và tới người tiêu dùng thông qua các hoạt động như vận chuyển, nhận hàng, lưu kho, lưu bãi, làm các giấy tờ, thủ tục, tư vấn khách hàng,... Chuỗi cung ứng này bắt đầu từ giai đoạn lên kế hoạch, triển khai và giám sát hoạt động vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
hoat-dong-cung-ung-dich-vu-logistics
Như vậy việc cung ứng dịch vụ Logistics là việc bên cung ứng dịch vụ Logistics phải cung cấp cho khách hàng những dịch vụ như vận chuyển, nhận hàng, giao hàng, lưu kho, lưu bãi, đóng gói bao bì, tư vấn khách hàng và nhận thanh toán; bên khách hàng phải thanh toán cho bên cung ứng và sử dụng dịch vụ mà bên cung ứng đã cung cấp theo thỏa thuận.
Cơ sở pháp lý: khoản 9 Điều 3 và Điều 233 Luật Thương mại 2005.
Đặc điểm của hoạt động cung ứng dịch vụ Logistics
Hoạt động cung ứng dịch vụ Logistic luôn có sự tham gia của con người thông qua việc sử dụng kỹ năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp để thực hiện công việc nhất định. Chủ thể thực hiện dịch vụ Logistics là thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics. Tức là phải đăng ký kinh doanh, thực hiện đúng các điều kiện về phương tiện và thiết bị, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và yêu cầu kỹ thuật trong vận chuyển, giao nhận hàng hóa,...
Hoạt động này được thực hiện theo yêu cầu của khách hàng nhằm mục đích hưởng thù lao. Theo đó, giữa bên cung ứng dịch vụ và khách hàng tồn tại hợp đồng cung ứng dịch vụ, bên cung ứng dịch vụ phải cung cấp các dịch vụ của mình rồi nhận thù lao từ khách hàng. Nội dung dịch vụ bao gồm một hoặc nhiều công việc khác nhau liên quan đến sự dịch chuyển của hàng hóa như: vận chuyển, nhận hàng, giao hàng, lưu kho, lưu bãi, đóng gói bao bì, ghi mã ký hiệu, tư vấn khách hàng, làm thủ tục hải quan, giấy tờ khác. Bên cung ứng dịch vụ và khách hàng là hai chủ thể độc lập với nhau. Do đó, cần phân biệt quan hệ cung ứng dịch vụ và quan hệ lao động.
Khác với hoạt động mua bán hàng hóa thông thường, kết quả của hoạt động cung ứng dịch vụ trong nhiều trường hợp không được vật thể hóa. Do đó, việc xác định chất lượng, kiểm soát quá trình cung ứng dịch vụ khó khăn hơn so với hoạt động mua bán hàng hóa.
Dịch vụ Logistics góp phần gia tăng giá trị hàng hóa, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng. Hàng hóa thông qua quá trình vận chuyển thì giá cả hàng hóa trên thị trường được tính là giá trị hàng hóa và chi phí vận chuyển. Vận chuyển, vận tải là một thành tố quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, chính vì vậy, khi chuỗi dịch vụ logistics ngày càng hiện đại và phát triển thì sẽ tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng.
Hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics
Hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics là thỏa thuận giữa bên cung ứng dịch
vụ và bên sử dụng dịch vụ về việc bên cung ứng thực hiện dịch vụ cho bên sử dụng dịch vụ và nhận thanh toán.
Chủ thể tham gia vào hoạt động Logistics bao gồm bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ (khách hàng). Trong đó, bên cung ứng dịch vụ là thương nhân có đăng ký kinh doanh để thực hiện một hoặc một số hoạt động logistics cụ thể theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của mình. Bởi dịch vụ Logistics là dịch vụ kinh doanh có điều kiện cho nên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh quy định tại Điều 4 Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ Logistics và luật chuyên ngành như Luật đầu tư,... Còn bên sử dụng dịch vụ (khách hàng) có thể là thương nhân hoặc không là thương nhân.
Điều 74 Luật Thương mại 2005 quy định hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics có thể được xác lập thông qua văn bản, lời nói hoặc một hành vi cụ thể. Đối với những loại hợp đồng dịch vụ mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó. Ví dụ, khoản 1 Điều 71 Bộ luật Hàng hải 2015 quy định hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển theo chuyến phải được lập thành văn bản.
Đối tượng của hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư 2014. Ví dụ: Kinh doanh vận tải đường thủy, dịch vụ lai dắt tàu biển, vận tải hàng không, vận tải đường sắt,...
Tham khảo một số mẫu hợp đồng tại NVCS: Mẫu hợp đồng
Quyền và nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ Logistics và khách hàng
Khi bàn về quyền và nghĩa vụ của hai bên trong hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics thì quyền của bên cung ứng dịch vụ là nghĩa vụ của khách hàng và nghĩa vụ của bên cung ứng là quyền của khách hàng.
Luật Thương mại 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics tại Điều 235 và 239. Theo đó, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Logistics được hưởng thù lao và các chi phí hợp lý khi cung cấp dịch vụ Logistics cho khách hàng; được quyền cầm giữ và định đoạt hàng hóa; thực hiện các dịch vụ khác theo chỉ dẫn của khách hàng. Đi kèm với quyền là nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics tại Điều 235 và Điều 240, các công ty cung ứng dịch vụ Logistics phải thực hiện dịch vụ theo thỏa thuận, phải thông báo khi thực hiện khác với chỉ dẫn, phải xin chỉ dẫn trong trường hợp có thể dẫn đến không thực hiện được hợp đồng, phải thực hiện các nghĩa vụ khi cầm giữ hàng hóa, tuân thủ các quy định của pháp luật và tập quán vận tải và chịu trách nhiệm trước khách hàng khi vi phạm nghĩa vụ.
Quyền và nghĩa vụ của khách hàng hay bên sử dụng dịch vụ Logistics được quy định tại Điều 236 Luật Thương mại 2005. Theo đó, khách hàng được quyền đưa ra chỉ dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng, được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên cung ứng dịch vụ vi phạm hợp đồng. Song, khách hàng phải có nghĩa vụ thanh toán thù lao và các chi phí hợp lý khác sau khi sử dụng dịch vụ, phải cung cấp các chỉ dẫn liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, cung cấp thông tin của hàng hóa, đóng gói, ký mã hiệu hàng hóa và bồi thường thiệt hại và chi phí phát sinh.
Ví dụ: giữa công ty A và công ty B tồn tại một hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics, theo đó, công ty A phải giao 2 lô hàng đến kho C vào ngày 01/04/2023 và ngày 11/11/2023 theo hợp đồng và công ty B sẽ phải thanh toán theo từng lô hàng sau ngày giao hàng thành công. Tuy nhiên, sau khi công ty A đã giao thành công lô hàng thứ nhất, vào ngày 02/04/2023, công ty B không thanh toán thù lao và các chi phí hợp lý cho A. Như vậy, công ty A có quyền cầm giữ/ định đoạt đối với lô hàng thứ hai và các chứng từ có liên quan đối với lô hàng này để đòi tiền nợ đã đến hạn thanh toán. Đồng thời phải thông báo cho công ty B về việc cầm giữ/định đoạt đối với lô hàng này. Sau thời hạn 45 ngày, nếu công ty B không thực hiện thanh toán thì công ty A có quyền thanh lý lô hàng thứ hai để thanh toán các khoản mà công ty B đã nợ.
Giới hạn trách nhiệm đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics
Giới hạn trách nhiệm là việc quy định hạn mức tối đa mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng đối với những tổn thất phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện dịch vụ logistics. Nếu hai bên trong hợp đồng cung ứng dịch vụ không có thỏa thuận khác thì toàn bộ trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics không vượt quá tổn thất toàn bộ hàng hoá.
gioi-han-trach-nhiem-doi-voi-ben-cung-ung-dich-vu-logistics
Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên trong hợp đồng không có thỏa thuận thì bên cung ứng dịch vụ phải chịu trách nhiệm tối đa là 500 triệu đồng nếu khách hàng không thông báo trước về giá trị hàng hóa với mỗi yêu cầu bồi thường; nếu khách hàng đã thông báo trước về giá trị hàng hóa và được bên cung ứng xác nhận thì giới hạn trách nhiệm không quá giá trị hàng hóa.
Tồn tại sự khác nhau về giới hạn đối với bên cung ứng dịch vụ Logistics giữa các dịch vụ Logistics về vận tải, dịch vụ Logistics chủ yếu và dịch vụ Logistics nhiều công đoạn. Đối với dịch vụ Logistics nhiều công đoạn có quy định giới hạn trách nhiệm khác nhau thì giới hạn trách nhiệm của bên cung ứng dịch vụ phải chịu là giới hạn trách nhiệm của công đoạn có giới hạn trách nhiệm cao nhất.
Khoản 3 Điều 238 Luật Thương mại 2005 quy định trường hợp không được hưởng quyền giới hạn trách nhiệm nếu chứng minh được sự mất mát, hư hỏng, giao trả hàng chậm trễ do lỗi cố ý của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ Logistics hoặc chứng minh được bên cung ứng dịch vụ đã hành động mạo hiểm và biết trước hậu quả chắc chắn xảy ra.
Cơ sở pháp lý: Điều 238 Luật Thương mại 2005 và Điều 5 Nghị định số 163/2017/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ Logistics.
Tham khảo thêm bài viết về Dịch vụ luật sư tư vấn về hoạt động cung ứng dịch vụ Logistics.
Miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics
Pháp luật quy định một số trường hợp mà bên cung ứng dịch vụ Logistics không phải chịu trách nhiệm đối với tổn thất phát sinh tại Điều 237 và Điều 294 Luật Thương mại 2005. Trong đó, có 6 trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics (gọi là bên cung ứng dịch vụ Logistics).
Thứ nhất là tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc người được khách hàng ủy quyền.
Ví dụ: Giữa công ty A và công ty B tồn tại hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics, theo đó, công ty A phải giao 1 container cam sành cho công ty C tại kho số 2 vào ngày 16/12/2023. A sẽ nhận container cam từ B vào ngày 05/12/2023. Trước khi giao cho A, B đã đóng gói sai cách làm số lượng cam trong container hư hỏng. Khi công ty A giao hàng cho công ty C vào ngày 16/12/2023, công ty C kiểm tra hàng hóa trước khi nhận và phát hiện một số thùng cam trong container đã bị hư hỏng. Như vậy, trong trường hợp này công ty A được miễn trách nhiệm.
Thứ hai là tổn thất phát sinh do bên cung ứng dịch vụ logistics làm theo đúng những chỉ dẫn của khách hàng.
Ví dụ: Giữa công ty A và công ty B tồn tại hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics, theo đó, công ty A phải xử lý, đóng gói và giao 1 container cam sành cho công ty C tại kho số 2 vào ngày 16/12/2023. Việc xử lý, đóng gói lô cam do công ty B hướng dẫn thực hiện. Được biết quy trình đóng gói đúng như sau: (1) rửa sạch → (2) xử lý nấm → (3) hong khô → (4) đóng gói bằng công nghệ biến đổi khí quyển → (5) bảo quản lạnh từ 2 – 10 ° C. Tuy nhiên, công ty B yêu cầu công ty A bỏ qua bước xử lý nấm vì công ty B tự tin lô cam này đạt chuẩn chất lượng, không có dấu hiệu bị nấm mốc. Khi công ty A giao hàng cho công ty C vào ngày 16/12/2023, công ty C kiểm tra hàng hóa trước khi nhận và phát hiện một số thùng cam trong container đã bị hư hỏng. Như vậy, trong trường hợp này công ty A được miễn trách nhiệm.
Thứ ba là tổn thất là do hàng hóa bị lỗi.
Ví dụ: Giữa công ty A và công ty B tồn tại hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics, theo đó, công ty A phải giao 100 chiếc xe máy cho Đại lý xe máy C tại kho số 2 vào ngày 16/12/2023. Khi công ty A giao hàng cho Đại lý C vào ngày 16/12/2023, công ty C kiểm tra hàng hóa trước khi nhận và phát hiện có một số chiếc xe bị chảy dầu. Thông qua kiểm định thì có 5 chiếc xe máy bị hỏng vòi xả dầu. Như vậy, trong trường hợp này công ty A được miễn trách nhiệm.
Thứ tư là tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải.
Thứ năm là bên cung ứng dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn 14 ngày, kể từ ngày bên cung ứng dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận.
Ví dụ: Giữa công ty A và công ty B tồn tại hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics, theo đó, công ty A phải giao 100 chiếc xe máy cho Đại lý xe máy C tại kho số 2 vào ngày 16/12/2023. Khi công ty A giao hàng cho Đại lý C vào ngày 16/12/2023, công ty C kiểm tra hàng hóa trước khi nhận và phát hiện thiếu 5 chiếc xe máy. Sau khi kiểm tra lại thì phát hiện trong lúc nhân viên công ty A chất hàng lên xe tải để vận chuyển thì bất chợt đi nơi khác trong vòng 10 phút. Trong thời gian đó đã có một nhóm người lạ dắt mất 5 chiếc xe đi. Sau đó, công ty B vẫn chấp nhận thiếu 5 chiếc xe và đề nghị công ty B giao lại 5 chiếc xe đã bị mất. Đến ngày 02/01/2024, công ty A nhận được thông báo về khiếu nại từ bên công ty B. Tuy nhiên, tại thời điểm 02/01/2024 đã quá thời hạn 14 ngày kể từ ngày công ty A giao hàng cho công ty C. Như vậy, công ty A được miễn trách nhiệm.
Thứ sáu là sau khi bị khiếu nại, bên cung ứng dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn 09 tháng kể từ ngày giao hàng.
Ví dụ: Giữa công ty A và công ty B tồn tại hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics, theo đó, công ty A phải giao 100 chiếc xe máy cho Đại lý xe máy C tại kho số 2 vào ngày 16/12/2023. Khi công ty A giao hàng cho Đại lý C vào ngày 16/12/2023, công ty C kiểm tra hàng hóa trước khi nhận và phát hiện thiếu 5 chiếc xe máy. Sau khi kiểm tra lại thì phát hiện trong lúc nhân viên công ty A chất hàng lên xe tải để vận chuyển thì bất chợt đi nơi khác trong vòng 10 phút. Trong thời gian đó đã có một nhóm người lạ dắt mất 5 chiếc xe đi. Sau đó, công ty B vẫn chấp nhận thiếu 5 chiếc xe và đề nghị công ty B giao lại 5 chiếc xe đã bị mất. Đến ngày 29/12/2023, công ty A nhận được thông báo về khiếu nại từ bên công ty B. Ngày 30/10/2024, công ty A nhận được thông báo về việc công ty B kiện công ty A tại Tòa án nhân dân quận 1. Tuy nhiên, tại thời điểm 30/10/2024 là đã quá thời hạn 09 tháng kể từ ngày công ty A giao hàng cho công ty C. Như vậy, công ty A được miễn trách nhiệm.
Dịch vụ tư vấn những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ Logistics của Nguyễn và Cộng sự
Nguyễn và Cộng sự là nơi cung cấp cho quý khách Dịch vụ Luật sư Thương mại chất lượng hàng đầu nhằm giải quyết nhu cầu của quý khách hàng khi tham gia vào các hoạt động thương mại. Nhằm mục tiêu đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, đội ngũ Luật sư Thương mại của chúng tôi được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn; được rèn luyện thái độ chuyên nghiệp. Chúng tôi hiểu rõ sự lo lắng của quý khách hàng trong suốt quá trình giao dịch thương mại, do đó, chúng tôi sẽ đặt ra một số vấn đề pháp lý liên quan mà quý khách hàng có thể quan tâm:
- Cách thức để kinh doanh dịch vụ Logistics
- Các thủ tục để đăng ký kinh doanh dịch vụ Logistics
- Cách soạn hợp đồng cung ứng dịch vụ Logistics
- Liệu trong hợp đồng mà quý khách ký kết có lỗ hổng không? Lỗ hổng đó có hại hay có lợi?
- Thất lạc, hư hỏng hàng hóa thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Dich-vu-luat-su-tu-van-hoat-dong-cung-ung-dich-vu-logistics
Luật sư: NGUYỄN THÀNH TỰU
Điện thoại: 09.19.19.59.39
Email: tuulawyer@nvcs.vn