Họ tên: NGUYỄN THÀNH TỰU
Chức danh: Thạc sĩ - Luật sư - Trọng Tài Thương Mại - CEO
Điện thoại: +84 09.19.19.59.39
Email: tuulawyer@nvcs.vn
Lĩnh vực tư vấn: Đầu Tư Nước ngoài- Sở hữu Trí tuệ -M&A- Tranh chấp tại tòa.
Ngôn ngữ: Tiếng Việt - tiếng Anh
Vốn điều lệ là yếu tố không thể thiếu trong cơ cấu vốn đối với doanh nghiệp. Được xem như là một cơ sở để xác định tỷ lệ góp vốn của chủ sở hữu hoặc các thành viên trong công ty. Để từ đó, doanh nghiệp sẽ có căn cứ để phân chia lợi nhuận, quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hay trách nhiệm về các khoản nợ hay nghĩa vụ tài sản khác.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể mở rộng hoặc thu hẹp lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình bằng cách thay đổi tăng hoặc giảm vốn điều lệ để phù hợp với nhu cầu và quy mô kinh doanh của công ty. Vậy pháp luật có quy định như thế nào về việc thay đổi vốn điều lệ công ty, trình tự thủ tục đối với các loại hình doanh nghiệp và những điều mà doanh nghiệp cần lưu ý ở đây là gì? Mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết mà NVCS chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về vấn đề này.
- 1. Đối với trường hợp tăng vốn điều lệ
- 1.1. Thời điểm tăng vốn điều lệ
- 1.2. Hình thức tăng vốn
- 1.3. Hồ sơ, thủ tục tăng vốn điều lệ đối với Công ty TNHH một thành viên
- 1.4. Hồ sơ, thủ tục tăng vốn điều lệ đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên
- 1.5. Hồ sơ, thủ tục tăng vốn điều lệ đối với Công ty Cổ phần
- 1.6. Thủ tục giảm vốn điều lệ của công ty
- 1.7. Đối với Công ty TNHH một thành viên
- 1.8. Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên
- 1.9. Đối với Công ty Cổ phần
- 1.10. Hồ sơ giảm vốn điều lệ công ty
- 1.11. Những lưu ý sau và thuế môn bài khi thay đổi vốn điều lệ doanh nghiệp
- 1.12. - Doanh nghiệp phải công bố thông tin thay đổi trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thay đổi;
Đối với trường hợp tăng vốn điều lệ
Thời điểm tăng vốn điều lệ
Theo quy định tại Điều 32 Luật Doanh nghiệp 2014 thì khi doanh nghiệp tăng vốn điều lệ cần nộp ngay và đủ số tiền vốn tăng sau đó mới thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp với Sở Kế họach và Đầu tư.
Lưu ý: Doanh nghiệp cần phân biệt rõ thời hạn góp tăng vốn điều lệ và thời hạn góp vốn khi mới thành lập doanh nghiệp (Theo quy định hiện hành là trong thời gian 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh)
Hình thức tăng vốn
- Đối với Công ty TNHH một thành viên, khoản 1 Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty tăng vốn điều lệ bằng cách chủ sở hữu công ty đầu tư thêm hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Cả hai hình thức này hoàn toàn do chủ sở hữu công ty quyết định, nếu như công ty lựa chọn hình thức thực hiện huy động thêm vốn góp từ bên ngoài thì công ty phải lựa chọn một trong hai loại hình doanh nghiệp là Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc Công ty Cổ phần.
- Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, theo khoản 1 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp có thể tăng vốn điều lệ bằng hai cách: Tăng vốn góp của các thành viên trong công ty hoặc Tiếp nhận thêm vốn góp của các thành viên mới.
- Đối với Công ty Cổ phần, có thể thực hiện tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cổ phần. Phần cổ phần chào bán bao gồm chào bán cổ phần riêng lẻ, chào bán cổ phần ra công chúng và chào bán cho các cổ đông hiện hữu.
Sau khi hoàn thành tăng vốn điều lệ trên thực tế, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp theo đúng với số vốn điều lệ đã tăng.
Thủ tục tăng vốn điều lệ
Bước 1: Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp gửi thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Nội dung của thông báo được quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Hồ sơ, thủ tục tăng vốn điều lệ đối với Công ty TNHH một thành viên
- Giấy đề nghị thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
- Quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp về việc tăng vốn điều lệ;
- Văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục thay đổi.
Lưu ý: Nếu công ty TNHH một thành viên tăng vốn bằng cách thêm thành viên góp vốn vào công ty thì công ty bắt buộc phải chuyển đổi loại hình sang công ty TNHH hai thành viên hoặc công ty cổ phần.
Hồ sơ, thủ tục tăng vốn điều lệ đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên
- Giấy đề nghị thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
- Quyết định của Hội đồng thành viên về việc tăng vốn điều lệ;
- Biên bản họp của Hội đồng thành viên;
- Giấy tờ chứng thực của cá nhân của thành viên mới;
- Văn bản xác nhận việc góp vốn của thành viên mới trong trường hợp tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới;
- Văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục thay đổi.
Hồ sơ, thủ tục tăng vốn điều lệ đối với Công ty Cổ phần
- Giấy đề nghị thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn điều lệ;
- Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông;
- Giấy tờ chứng thực của cá nhân của thành viên mới;
- Văn bản xác nhận việc góp vốn của thành viên mới trong trường hợp tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới;
- Văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục thay đổi.
Bước 2: Nhận kết quả
Khi nhận được thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ trao giấy biên nhận và đăng ký tăng vốn cho doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.
Bước 3: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới phải thực hiện thủ tục thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định. Thời hạn thông báo công khai là 30 ngày.
Thủ tục giảm vốn điều lệ của công ty
Đối với Công ty TNHH một thành viên
Căn cứ theo khoản 3 Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Công ty TNHH một thành viên giảm vốn điều lệ trong hai trường hợp:
- Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;
- Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định.
Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Khoản 3 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty có thể giảm vốn điều lệ trong ba trường hợp sau đây:
a) Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;
b) Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 của Luật này;
c) Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định.
Đối với Công ty Cổ phần
Theo khoản 5 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp như sau:
a) Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
b) Công ty mua lại cổ phần đã bán: Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông và Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty;
c) Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định.
Hồ sơ giảm vốn điều lệ công ty
Hồ sơ giảm vốn điều lệ sẽ tương tự như hồ sơ tăng vốn điều lệ đối với từng loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với hồ sơ giảm vốn điều lệ, việc giảm vốn điều lệ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thanh toán các nghĩa vụ tài chính của công ty nên doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn điều lệ. Do đó, ngoài Thông báo đăng ký thay đổi vốn điều lệ thì công ty phải có Báo cáo tài chính của công ty tại kỳ gần nhất với thời điểm quyết định giảm vốn. Báo cáo tài chính phải đảm bảo tiền mặt đủ để hoàn trả vốn góp cho các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác liên quan đến hoạt động của công ty cổ phần.
Đối với công ty cổ phần vốn sở hữu nước ngoài chiếm trên 50%, Báo cáo tài chính phải được xác nhận của cơ quan kiểm toán độc lập.
Những lưu ý sau và thuế môn bài khi thay đổi vốn điều lệ doanh nghiệp
- Doanh nghiệp phải công bố thông tin thay đổi trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thay đổi;
- Việc tăng vốn của doanh nghiệp làm tăng mức thuế môn bài doanh nghiệp phải nộp.
- Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 4 Thông tư 302/2016/TT-BTC, mức thu thuế môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 03 triệu đồng/năm;
+ Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 02 triệu đồng/năm;
+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 01 triệu đồng/năm.
Lưu ý: Về thời hạn nộp lệ phí môn bài năm 2023, căn cứ khoản 9 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.
Trên đây là bài viết về hồ sơ, thủ tục thay đổi vốn điều lệ công ty mà NVCS chia sẻ đến quý bạn đọc, nếu còn vấn đề thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ của NVCS, vui lòng liên hệ thông tin sau:
- Địa chỉ: 170 Bùi Thị Xuân, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Điện thoại: 0916 303 656
- Email: Luatsu@nvcs.vn
- Website: https://nvcs.vn/