
Họ tên: NGUYỄN THÀNH TỰU
Chức danh: Thạc sĩ - Luật sư - Trọng Tài Thương Mại - CEO
Điện thoại: +84 09.19.19.59.39
Email: tuulawyer@nvcs.vn
Lĩnh vực tư vấn: Đầu Tư Nước ngoài- Sở hữu Trí tuệ -M&A- Tranh chấp tại tòa.
Ngôn ngữ: Tiếng Việt - tiếng Anh
Trong những giai đoạn đau buồn và phức tạp sau khi một người thân đã qua đời, việc quản lý di sản thừa kế có thể là một thách thức. Trong số những quyền lợi mà người thừa kế được giao thì có một quyền đặc biệt là quyền từ chối nhận di sản thừa kế. Điều này không chỉ là một quyết định về tài chính, mà còn là một quyết định có sức ảnh hưởng đến cảm xúc và mối quan hệ gia đình. Vậy để thực hiện đúng quy trình pháp lý về việc từ chối nhận di sản thừa kế thì người thừa kế cần chuẩn bị những gì? Những trường hợp nào ngoại lệ đối với từ chối nhận di sản mà họ cần biết? Dưới đây, NVCS sẽ cùng giải đáp thắc mắc về các quy trình thủ tục pháp lý đối với vấn đề về quy trình từ chối di sản thừa kế, những điều cần lưu ý khi ra quyết định này, và tầm quan trọng trong việc tư vấn pháp lý thừa kế trong bài viết sau.
tu-choi-nhan-di-san-thua-ke-nvcs
KHÁI QUÁT VỀ QUYỀN THỪA KẾ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
Quyền thừa kế đối với mỗi công dân là một trong những quyền cơ bản được pháp luật quy định. Theo Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định thì người thừa kế có quyền “ hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Đồng thời theo luật pháp Việt Nam thì người được hưởng di sản thừa kế có quyền nhận hoặc từ chối nhận di sản nếu việc từ chối này không nằm trong trốn tránh nghĩa vụ người chết để lại thì việc từ chối sẽ phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản và việc từ chối này phải được thực hiện trước thời điểm phân chia di sản thừa kế.
Đối với cá nhân có quyền sở hữu tài sản có quyền lập di chúc định đoạt tài sản của mình cho người khác hưởng khi mình chết. Việc lập di chúc này phải thực hiện theo các quy định pháp luật về điều kiện lập di chúc. Trong trường hợp nếu cá nhân đó không lập di chúc thì tài sản đó sẽ được phân chia theo pháp luật, việc phân chia này sẽ dựa vào quy định về trình tự ưu tiên nhận thừa kế trong quan hệ về: hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng; về quy định thủ tục phân chia di sản của người để lại tài sản với người được hưởng tài sản thừa kế đó.
NGƯỜI THỪA KẾ CÓ ĐƯỢC TỪ CHỐI DI SẢN THỪA KẾ KHÔNG?
Căn cứ Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 quy định cụ thể về việc từ chối nhận di sản thừa kế:
“ 1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”
- Đối với người thừa kế theo di chúc hay pháp luật đều được quyền từ chối nhận di sản thừa kế. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có quy định rõ hạn chế việc từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác (cá nhân, tổ chức hoặc Nhà nước) hoặc nghĩa vụ đối với người chết (theo Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015). Cần xem xét rằng nếu người từ chối nhận thừa kế đã có tài sản để thực hiện nghĩa vụ với người thứ ba hay không. Nếu như họ đã có tài sản riêng để thực hiện nghĩa vụ thì có quyền từ chối nhận di sản nhưng nếu họ không có hoặc có nhưng không đủ để thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ ba thì không được phép từ chối nhận.
- Đối với việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản theo quy định pháp luật, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Việc gửi văn bản có thể thực hiện bằng một trong các hình thức sau: gửi trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc hòm thư điện tử.
- Và việc từ chối nhận di sản phải được thực hiện trước thời điểm mở phân chia di sản. Trên thực tế, thời điểm phân chia di sản thừa kế có thể không thống nhất được do có nhiều phát sinh mâu thuẫn, bất đồng quan điểm từ những người được hưởng thừa kế nên nếu có người thừa kế nào có ý định không nhận di sản thừa kế thì nên thực hiện quyền từ chối nhận di sản càng sớm và vào thời điểm thích hợp nhất để những người hưởng di sản thừa kế còn lại biết và thuận lợi trong quá trình phân chia di sản thừa kế.
- Người từ chối nhận di sản thừa kế có thể tặng cho lại phần thừa kế của mình cho 01 hoặc tất cả những người được hưởng di sản thừa kế khác. Việc tặng cho lại phần thừa kế cho người khác phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp lệ bởi cơ quan có thẩm quyền mới có giá trị pháp lý.
ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGƯỜI THỪA KẾ ĐƯỢC QUYỀN TỪ CHỐI NHẬN DI SẢN
Mặc dù việc từ chối nhận di sản thừa kế nếu không nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ đối với tài sản do người chết để lại thì vẫn phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Phải là người có quyền được hưởng di sản thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật);
- Phải được lập văn bản từ chối theo quy định pháp luật và gửi đến người quản lý di sản, người thừa kế khác hoặc người được giao nhiệm vụ phân chia di sản;
- Phải hoàn thành trước thời điểm phân chia di sản.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định chi tiết về những người không được hưởng di sản thừa kế:
“Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”
Nhưng trong trường hợp những người nêu trên vẫn có quyền hưởng thừa kế nếu người để lại di sản đã biết hành vi của họ mà vẫn cho họ được quyền hưởng di sản thừa kế.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TỪ CHỐI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ MỚI NHẤT
thu-tuc-tu-choi-di-san-thua-ke-nvcs
Chuẩn bị hồ sơ:
Căn cứ Điều 59 Luật Công chứng 2014 quy định về hồ sơ để thực hiện từ chối nhận di sản thừa kế:
- Dự thảo văn bản từ chối nhận di sản (nếu có);
- Bản sao giấy tờ tùy thân hoặc các giấy tờ pháp lý chứng minh nhân thân còn hạn sử dụng;
- Giấy chứng tử;
- Bản sao tờ di chúc nếu trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc giấy tờ liên quan chứng minh giữa người để lại tài sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế nếu là thừa kế theo pháp luật;
- Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao các giấy tờ thay thế khác được pháp luật quy định đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong liên quan đến tài sản đó (xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu).
Cơ quan có thẩm quyền đối với văn bản từ chối nhận di sản
Hiện tại quy trình thủ tục về từ chối nhận di sản thừa kế vẫn chưa có hình thức làm trực tuyến, vẫn theo hình thức nộp trực tiếp tại các cơ quan thẩm quyền tại nơi mình cư trú.
Cơ quan thực hiện: UBND xã, phường, thị trấn (theo điểm g, khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
- Người yêu cầu chứng thực phải nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực theo quy định.
- Người thực hiện chứng thực hoặc người tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông sẽ kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực, nếu xét thấy hồ sơ được nộp đã đầy đủ, hợp lệ, hợp pháp thì tại thời điểm chứng thực người từ chối nhận di sản tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì thực hiện chứng thực. Còn nếu xét hồ sơ chưa đầy đủ thì sau khi tiếp nhận và kiểm tra sẽ thông báo cho bên yêu cầu bổ sung giấy tờ cần thiết, nếu trường hợp yêu cầu từ chối không thể thực hiện được thì công chứng viên sẽ trả lại hồ sơ và giải thích lý do cho bên yêu cầu chứng thực.
- Người từ chối nhận di sản sẽ phải ký trước mặt người thực hiện việc chứng thực văn bản tại trụ sở hoặc ngoài trụ sở hành nghề công chứng, nếu văn bản từ chối nhận di sản có từ hai trang trở lên thì người yêu cầu phải ký vào từng trang. Trường hợp người yêu cầu chứng thực nộp hồ sơ trựuc tiếp tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông thì phải ký trước mặt người tiếp nhận hồ sơ.
- Nếu người yêu cầu chứng thực nếu không thể ký được thì phải điểm chỉ; nếu người yêu cầu đó không đọc được, không nghe được, không ký được, không điểm chỉ được thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ phải có 02 người làm chứng theo quy định pháp luật. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có liên quan gì đến quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ đến văn bản từ chối nhận di sản này. Thường thì người làm chứng sẽ do người yêu cầu chứng thực sắp xếp. Trường hợp người yêu cầu chứng thực không sắp xếp được thì có thể đề nghị cơ quan thực hiện chứng thực chỉ định người làm chứng.
- Người thực hiện chứng thực hoặc người tiếp nhận hồ sơ sẽ ghi lời chứng theo mẫu quy định. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông thì người tiếp nhận hồ sơ sẽ ký vào từng trang của văn bản từ chối và đồng thời ký vào dưới lời chứng đã ghi theo mẫu quy định.
- Nếu hồ sơ không được tiếp nhận qua bộ phận một cửa, một cửa liên thông thì người thực hiện chứng thực sẽ ký vào từng trang của văn bản từ chối (ký, ghi rõ họ tên)và sẽ được đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
- Đối với văn bản từ chối có từ 02 trang trở lên, thì từng trang trong văn bản sẽ phải được đánh số thứ tự, có chữ ký của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực; số lượng trang và lời chứng sẽ được ghi tại trang cuối của văn bản từ chối nhận di sản. Trường hợp văn bản từ chối nhận di sản có từ 02 tờ trở lên thì sẽ phải đóng dấu giáp lai.
- Ngoài ra còn có trường hợp người yêu cầu chứng thực là người không thông thạo tiếng Việt thì theo quy định pháp luật sẽ phải có người phiên dịch. Người phiên dịch cho bên yêu cầu chứng thực phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật, phải thông thạo cả tiếng Việt lẫn ngôn ngữ mà người yêu cầu chứng thực đang sử dụng. Người phiên dịch do người yêu cầu chứng thực mời hoặc do bên cơ quan thực hiện chứng thực chỉ định. Người phiên dịch sẽ có trách nhiệm dịch đầy đủ, chính xác những nội dung của văn bản từ chối nhận di sản do bên yêu cầu soạn cũng như nội dung lời chứng và ký vào từng trang văn bản từ chối nhận di sản với tư cách là người phiên dịch.
Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP cũng quy định việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP không phụ thuộc vào nơi sinh sống của người yêu cầu chứng thực.
Thời hạn giải quyết:
Không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực. Trường hợp nếu kéo dài thời hạn giải quyết thì người tiếp nhận hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền phải ghi phiếu hẹn và trong đó ghi rõ thời gian để gửi trả kết quả cho người yêu cầu chứng thực.
Phí, lệ phí và thù lao khi thực hiện thủ tục từ chối nhận di sản:
Theo khoản 3, Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC thì lệ phí thực hiện cho việc chứng thực là 20.000 đồng đối với văn bản từ chối nhận di sản.
Theo Điều 67 Luật Công chứng 2014 quy định về mức thù lao công chứng sẽ do cơ quan hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức trần thù lao do UBND cấp tỉnh ban hành.
Việc thay đổi ý định sau khi từ chối di sản có hợp lệ không?
Theo quy định pháp luật hiện hành, việc từ chối nhận di sản chỉ cần thực hiện trước thời điểm phân chia di sản và cũng đồng thời phải báo cho những người liên quan biết. Do đó, nếu đã từ chối di sản thừa kế nhưng không thực hiện theo đúng về mặt hình thức, điều kiện… thì việc từ chối nhận di sản sẽ không có hiệu lực.
Cụ thể ở một vài trường hợp sau, việc từ chối sẽ không được công nhận và người thừa kế hoàn toàn có quyền “đổi ý”:
- Việc từ chối nhận di sản nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản cũng như nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại… của người thừa kế với người khác;
- Không được lập thành văn bản và không được gửi đến những người liên quan đến quyèn hưởng di sản thừa kế;
- Từ chối di sản sau thời điểm phân chia di sản,…
Người đang sống ở nước ngoài thì làm thế nào để ký vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không?
Căn cứ Điều 167 Luật Đất đai 2013 thì các văn bản về thừa kế quyền sử dụng, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cần phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
Việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được quy định theo Điều 57 Luật Công chứng 2014. Theo quy định trên thì các đồng thừa kế phải có mặt để ký tên vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Đối với người đang sinh sống tại nước ngoài thì có thể lập hợp đồng ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục phân chia di sản. Sau đó hợp đồng ủy quyền này sẽ được công chứng tại Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam có trụ sở ở nước ngoài.
Lúc này bên được ủy quyền sẽ có quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi bên được ủy quyền cư trú để công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Dân sự 2015;
- Luật Đất đai 2013;
- Luật Công chứng 2014;
- Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên;
- Quyết định 1239/QĐ-BTP về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp;
- Quyết định 1024/QĐ-BTP về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp;
- Nghị định 23/2015/ NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Về thủ tục pháp lý liên quan tới thừa kế thì lựa chọn nên tới Công ty Luật Quốc tế Nguyễn và Cộng sự - NVCS?
Với kinh nghiệm dày dặn trong gần hơn 10 năm xoay quanh về thủ tục pháp lý liên quan tới pháp luật về phân chia thừa kế. NVCS sẽ cùng đội ngũ nhân viên pháp lý chuyên nghiệp, tận tình sẽ giúp khách hàng giải quyết những thách thức, vấn đề về pháp lý phân chia di sản một cách hợp pháp, hiệu quả. Tại đây, NVCS còn cung cấp các dịch vụ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như:
- Tư vấn pháp lý chuyên sâu;
- Giải pháp linh hoạt;
- Tư vấn các vấn đề về phân chia tài sản thừa kế hợp pháp;
- Quản lý hồ sơ tài liệu;
- Dịch vụ toàn diện khác.
dich-vu-luat-su-tu-van-thua-ke-nvcs
Luật sư: NGUYỄN THÀNH TỰU
Điện thoại: 09.19.19.59.39
Email: tuulawyer@nvcs.vn